Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại thay vì người dân phải đến trung tâm nơi có trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thì hàng tháng NHCSXH tổ chức giao dịch tại các xã để thực hiện công tác tín dụng.
Đây là hoạt động đặc thù, riêng có của NHCSXH, tối thiểu mỗi tháng NHCSXH huyện tổ chức giao dịch cố định tại trụ sở UBND xã 1 lần, tương đương 1 năm 12 lần. Và tuỳ vào nguồn vốn, nhu cầu vay vốn của người dân, NHCSXH có thể tổ chức thêm các phiên giao dịch bổ sung. Tại các điểm giao dịch xã, Ngân hàng trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực cũng như hoạt động nghiệp vụ phục vụ người dân thông qua tổ giao dịch. Cũng tại đây, NHCSXH công khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, thực hiện quy trình xử lý nợ…Ngoài việc thực hiện các giao dịch nghiệp vụ thì với phương châm mỗi cán bộ ngân hàng là một tuyên truyền viên, tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH và giải đáp các khó khăn, vướng mắc của bà con nhân dân liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào DTTS có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn, các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH; được hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, vươn lên để có đời sống khấm khá.
Nhiều hộ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Bà H Wăn Niê, Tổ trưởng tổ TK&VV Buôn Yông, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk phấn khởi cho biết: “ Buôn Yông đa phần là người DTTS, đời sống kinh tế, phương tiện đi lại gặp nhiều khó khăn nên việc NHCSXH tổ chức giao dịch hàng tháng tại xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con rất nhiều, bà con không mất thời gian đi lại nhiều mà còn tiết kiệm được chi phí nữa. Không những thế, bà con còn được tư vấn, hướng dẫn, tiếp cận được nhiều nguồn vay ưu đãi nên rất vui mừng, Tổ của tôi có 59 hộ vay vốn với hơn 2,3 tỷ dư nợ thì tất cả các tổ viên đều sử dụng đúng mục đích, trả lãi, trả gốc đúng hạn. Ngoài ra, các tổ viên còn tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng để tích lũy nguồn trả nợ dẫn nhằm giảm áp lực trả nợ khi đến hạn”
Để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh nhất, trọn vẹn nhất, đáp ứng nhu cầu vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. NHCSXH huyện luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các Cấp ủy, Chính quyền địa phương tạo điều kiện cơ sở vật chất về Hội trường giao dịch, bố trí lực lượng trực bảo vệ, . . . cùng với sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, đội ngũ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), ban điều hành thôn thường xuyên bám sát cơ sở, tuyên truyền, vận động để các tổ viên chấp hành tốt quy định về vay vốn, sử dụng ốn vay đúng mục đích.
Tính đến ngày 30/09/2024 tổng dư nợ các chương trình cho vay của NHCSXH huyện Cư M’gar đạt 15,8 tỷ, với 359 hộ đang còn dư nợ, tăng 1,3 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng đạt 13,30%
HG&LH